Điều gì đang tiềm ẩn phía sau một số dấu hiệu “không bình thường” trong hoạt động kinh doanh của CEO Group thời gian vừa qua. Có hay không việc tăng vốn của tập đoàn này là ảo?
Công ty CP Tập đoàn CEO và nghi vấn tăng vốn ảo
Những dấu hiệu bất thường trong BCTC 2017
Khoảng vài năm trước, người ta thường thấy Công ty CP Tập đoàn CEO (CEO Group) “ồn ào” với một số dự án tại Hà Nội. Sau đó, dường như có một khoảng lặng nhất định, người ta lại thấy CEO xuất hiện với một số dự án có phần khiêm tốn tại Khánh Hòa, Quảng Ninh và Kiên Giang...
Dễ nhận thấy, thời gian gần đây, doanh thu của CEO tăng trưởng có bước “đột phá” so với trước. Bình thường, đây là điều đáng mừng cho một doanh nghiệp có thâm niên gần 20 năm - với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Song, qua báo cáo tài chính của đơn vị này, người ta nhận thấy dấu hiệu bất thường trong một số khoản thu – chi.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 (BCTC) cho thấy, CEO Group có kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến, trong đó, tống doanh thu hợp nhất đạt hơn 1.874 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại các dự án Bamboo Garden, Sonasea Resort & Villas Phú Quốc... Lợi nhuận trước thuế đạt 406 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch đề ra và lãi sau thuế 321 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với năm trước.
Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp, một số khoản phải thu khách hàng của CEO nêu trong BCTC 2017 đến từ 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Đầu tư Trang Nguyễn Phú Quốc, Thu Hoài Phú Quốc, Quốc tế Đỗ Gia Phú Quốc và Đầu tư Quang Tiến Phú Quốc. Một điều lạ là cả 4 doanh nghiệp này đều được thành lập vào ngày 22/12/2016 và có chung địa chỉ tại Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort, Tố 5, Ấp Đường - xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang (một dự án condotel của CEO Group).
Đặc biệt, khoản phải thu đối với 04 doanh nghiệp này của CEO được lấy mốc thời gian bắt đầu từ khi lập BCTC cuối năm 2016. Điều đó có nghĩa là, 04 công ty nêu trên chỉ sau vài ngày được thành lập và đi vào hoạt động đã có ngay doanh thu để đưa về cho CEO?
4 công ty chung ngày thành lập, chung địa chỉ!?
Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của CEO Group các năm gần đây là đến từ condotel và với phân khúc này thường đối tượng mua sẽ là các cá nhân. Nhưng theo BCTC kiểm toán năm 2017 của CEO, doanh nghiệp này có khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng vẫn duy trì ở mức rất cao lên đến 833 tỷ đồng. Thông thường nếu các cá nhân thực hiện giao dịch mua bán BĐS thì doanh nghiệp sẽ không có các khoản phải thu này.
Cũng trong BCTC 2017 của Tập đoàn CEO, tại khoản mục trả trước cho người bán, CEO đã mua ngược lại sản phẩm từ Công ty TNHH MTV Thu Hoài Phú Quốc với số tiền hơn 18 tỷ đồng, trong khi đó khoản phải thu từ đơn vị này là gần 44 tỷ đồng… Ngoài ra, CEO còn có khoản trả trước 40 tỷ đồng cho người bán là Công ty TNHH MTV Ngôi sao Xanh Đông Đô (đây là đơn vị chỉ vừa mới được thành lập vào ngày 19/06/2017, tức là chỉ sau thời gian tăng vốn điều lệ (ngày 9/6/2017) của CEO vài ngày).
Mặt khác, Tập đoàn CEO liên tục có những khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đối với hàng loạt cá nhân. Điểm khá thú vị là việc các cá nhân được vay này thay đổi theo hàng năm và vay không có tài sản đảm bảo. Cùng với đó, CEO cũng tạm ứng hoặc có các khoản phải thu đối với một loạt cá nhân hay tổ chức khác.
Đây là những điểm mà nhiều người cảm thấy khó hiểu trong khoản phải thu cho vay các cá nhân, cho vay ngắn hạn đã nêu trong BCTC 2017 của CEO. Đồng thời, điều đó cũng khiến nhiều các nhà đầu tư đặt câu hỏi rằng, liệu CEO Group hiện nay đang có vấn đề gì trong các hoạt động kinh doanh? Và việc tăng vốn của CEO trong thời gian qua là thật hay là ảo?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét