Tội ác không dung thứ
Bất ngờ gặp nghịch tử ấy ở trại giam Hoàng Tiến, tôi thấy T. không khác xưa là mấy. Vẫn khuôn mặt nhợt nhạt, vẫn kiểu nói năng chầm chậm, tuy nhiên, đôi mắt thì vẻ như có hồn hơn, không bạc nhược, ngơ ngác, sợ hãi như hồi mới bị bắt nữa.
Những tháng ngày gặm nhấm nỗi đau trong trại cải tạo, lẩn trốn được sự căm phẫn, phỉ báng của dư luận, hắn đã phần nào nguôi ngoai, phần nào trấn tĩnh sau tội lỗi kinh hoàng mà mình đã gây ra. Mở đầu câu chuyện với tôi, T. bảo, nếu không có tội ác kinh hoàng trên thì giờ có lẽ hắn đã là sinh viên năm thứ hai rồi. “Mọi thứ với em hệt như một cơn ác mộng. Nói thật, đến bây giờ, nhiều lúc em vẫn không tin đó là sự thật”. Mặt cúi gằm, hai tay lại xoắn xuýt vào nhau hệt như hôm đứng trước vành móng ngựa, T. khẽ buông một tiếng thở dài.
T. bảo, hắn và bố mình vốn hay xung khắc. Bố hay dạy hắn bằng những lời mạt sát cùng những trận đòn nhừ tử. Bởi thế, hắn thường tránh mặt mỗi khi ông ở nhà. Cho đến bây giờ, dù phút giây kinh hoàng trên trôi qua đã lâu, dù dư luận đã dần quên trên đời này lại có một đứa con đại nghịch bất đạo ấy nhưng T. vẫn không hiểu nổi tại sao hôm đó mình lại có hành động điên khùng đến vậy.
Giọng lí nhí, T. bảo, game thì như bao thanh niên mới lớn khác, hắn thích chơi nhưng không nghiện như mọi người lầm tưởng. Như bao cậu trò khác, hắn cũng có nhiều lo lắng bởi kỳ thi tốt nghiệp đã cận kề. Tốt nghiệp xong lại còn thi đại học nữa.
Hắn cũng ước mơ được thành sinh viên, được lên Hà Nội học, rồi cuối tuần, cuối tháng bắt xe về thăm mẹ, thăm cha. Bởi khát vọng đó nên hắn chẳng có nhiều thời gian mà ngồi thiền trong hàng net. Hôm ấy, sau buổi học mệt nhoài, nghĩ là mình cần xả hơi, hắn tạt vào hàng điện tử.
Hí hoáy một lát mà đã quá giờ trưa, nghĩ mọi người ở nhà đợi cơm, hắn lật đật đứng dậy, vội vã ra về. Tới nhà, nhác thấy mặt hắn, như thường lệ, bố hắn xả vào hắn những lời nặng nhẹ. Bị đòn nhiều bận, ức chế, hắn cãi. Nổi cơn tam bành, bố đã túm lấy hắn nện thẳng tay.
“Em có tội, em là đứa con bất hiếu, vô đạo! Tội ấy thì chẳng có lời lẽ nào có thể bào chữa!”. Kể đến đây, giọng kẻ nghịch tử ấy trùng lại. Mắt hắn đỏ hoe, rơm rớm nước. Hắn bảo, lúc đó, hắn như bị quỷ dữ sai khiến, không thể nào làm chủ nổi mình. Bị đòn, đau thì ít, tức giận thì nhiều. Và, trong thời khắc không làm chủ được bản thân ấy, thấy con dao mà gia đình vẫn dùng để chặt thịt ở gần chỗ mình, hắn vồ lấy và điên dại phản công.
Những cú đòn hung hãn, cuồng loạn ấy chỉ kết thúc khi hắn giật mình bừng tỉnh. Thế nhưng, sự bừng tỉnh ấy đã quá muộn màng. Bố hắn đã nằm bất động trên vũng máu lênh láng. Cảnh tượng hãi hùng ấy khiến hắn hoảng hốt. Xoè bàn tay be bét máu trước mặt, mắt hắn nhoè đi, từ từ qụy xuống.
Ngồi thở dốc vài phút, sợ tội ác tày đình của mình bị phát hiện, hắn quyết định phi tang. Hắn bảo, khi ấy, bởi quá sợ hãi nên đầu óc hắn hoá mụ mẫm. Như đứa trẻ chẳng may đánh vỡ chiếc bình quý, muốn che giấu tội lỗi thì chỉ còn cách dọn dẹp cho sạch sẽ hiện trường, đợi khi người lớn hỏi thì lớn tiếng chối bay chối biếm.
Nghĩ đơn giản như vậy nên hắn đã làm cái việc ghê rợn mà một người bình thường có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới. Chặt thân thể bố mình ra từng khúc, gói ghém cẩn thận rồi đem ra sông vứt. T. bảo, khi làm việc kinh hãi ấy, hắn như kẻ vô thức nên chẳng thấy run tay.
“Thu dọn chiến trường” xong, tìm chìa khoá mở két, vơ mấy triệu bạc, hắn ra khỏi nhà. “Em không bỏ trốn như mọi người nghĩ, em hoàn toàn không có tư tưởng ấy!”. Mím môi mím lợi, T. quả quyết. Hắn bảo, khi ấy, biết thế nào tội lỗi của mình cũng bị phát hiện, dù đã mấy đêm trôi qua nhưng hắn vẫn sống trong bấn loạn.
Lang thang ở Hải Dương, khi biết điều mình lo lắng đã thành hiện thực, hắn nhảy lên xe khách và đi. Đi như kẻ mộng du vậy thôi chứ hắn không biết là mình sẽ đi đâu, đến đâu. T. bảo, hắn đi là để trốn chính bản thân mình. “Khi bị bắt, em mới biết là mình đang ở đất Nam Định. Nếu có ý định bỏ trốn thì em đã trốn từ mấy ngày trước rồi!”. Quyệt ngang nước mắt, hắn quả quyết.
Kẻ đáng chết cả trăm lần cũng thèm… được sống
Bị bắt, khi công an lấy cung, cứ hỏi đến đâu hắn trả lời đến đó. Không giấu giếm, che đậy gì. T. kể, tâm trạng hắn lúc đó tuy không được tốt nhưng hắn đã cố gắng trả lời rành rọt tất cả những gì mà cơ quan điều tra hỏi. Hắn không có ý định quanh co bởi nghĩ làm vậy thì hắn càng thêm phần nhục nhã vì sự vô đạo của mình.
Lao động là cách để chuộc lại lỗi lầm
Chỉ trong mấy ngày hồ sơ vụ án kinh hoàng trên đã được hoàn tất. Nằm trong trại giam chờ ngày ra trước vành móng ngựa, T. bảo, không đêm nào hắn không gặp ác mộng.
Đầu óc lúc nào cũng căng thẳng bởi bao ý nghĩ dày vò, tuy nhiên, cứ khi chợp mắt thì những hình ảnh kinh hoàng mà hắn đã gây ra với bố mình lại lũ lượt hiện về. Nằm trong trại tạm giam, đã có lúc hắn ước giá như có phép màu, hắn muốn chết thật nhanh. Chết để giải thoát và chết để được gặp bố, để dập đầu tạ tội với người đã sinh ra mình ấy.
Chừng gần hai tháng sau, khi nỗi kinh hoàng về tội ác man rợ mình gây ra đã ít nhiều phai nhạt, T. mới bắt đầu nghĩ tới cái giá mà bản thân mình phải trả. Đương nhiên khi ấy hắn nghĩ với những gì mình đã làm thì đất trời này chẳng thể dung thứ.
Hắn biết, mình nắm chắc trong tay cái án tử hình. Và, cũng chỉ có cái chết mới khiến sự mặc cảm tội lỗi trong hắn nhẹ vơi đôi chút. Thế nhưng, càng nghĩ nhiều đến cái chết thì hắn càng thấy sợ. Hắn không tiếc cuộc đời bởi tội ác mà mình gây ra không thể gột rửa.
Sống mà bị mọi người ghê sợ, xa lánh thì sống để làm gì. Hắn bảo, khi ấy, hắn không muốn sống nhưng cũng không muốn cái chết sẽ đến với mình. Làm người, ai cũng hừng hực khát vọng sống mà đồng nghĩa với mong muốn sống đó là sợ hãi trước cái chết. Có lẽ, bản năng này đã khiến hắn có tâm trạng như vậy.
Phiên toà sơ thẩm mở lưu động. Hắn cúi gằm mặt vừa để trốn tránh những ánh mắt căm phẫn, ghê tởm của mọi người vừa khỏi phải nhìn thấy mẹ. Mẹ hắn ngồi ở ghế dành cho người bị hại. Vừa bước ra vành móng ngựa, nhác thấy mặt hắn, mẹ hắn đã nước mắt như mưa.
Nhìn mẹ hắn thấy ruột gan mình như có kim châm, muối xát. Không thể bào chữa cho tội ác của mình nên phiên toà diễn ra nhanh gọn đúng như hắn nghĩ. Và, cũng đúng như nỗi sợ hãi mà hắn đã dự liệu từ trước, toà tuyên cho hắn mức án cao nhất: Tử hình.
Dù đã lường trước mức án này nhưng khi hai chữ “tử hình” mà vị chủ toạ phiên toà xướng lên, hắn thấy đất trời như chao đảo, quay cuồng. Phải cố gắng lắm hắn mới đứng vững trên đôi chân của mình. Ở phía dưới, mẹ hắn đã ngất lịm từ khi nào hắn cũng không biết nữa. Chỉ trong vài tháng mà chồng mất, rồi con lãnh tội chết thì còn nỗi đau nào bằng, sức nào chịu thấu.
Sau phiên toà, T. kể, hắn được chuyển phòng giam giữ. T. được đưa xuống buồng dành cho những kẻ đã “đặt vé” cho “chuyến tàu” về bên kia thế giới. Tại “căn phòng mới” này, hắn thấy hình thù… “vị thần cầm lưỡi hái” rõ ràng hơn và đương nhiên, nỗi sợ hãi cũng khủng khiếp hơn.
Hắn kể, từ khi vào chốn biệt giam, đã vài bận hắn mơ thấy bố hắn về và cứ thế, ông túm tay lôi hắn đi xềnh xệch. Cứ sau những cơn ác mộng ấy là hắn chẳng thể nào ngủ được nữa. Người ngợm chỗ nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Chỉ ít ngày “sống trong sợ hãi”, người hắn sọp hẳn. Nếu cứ đà này, hắn nghĩ, nếu mình không chết bởi án dựa cột thì cũng chết bởi héo mòn.
Sống để sám hối
Phiên phúc thẩm diễn ra đúng theo lịch trình. Hắn không trông chờ phiên toà này bởi ý nghĩ chẳng ai có thể cứu vãn được mạng sống của mình. Thế nhưng, mọi chuyện lại trái ngược hẳn với những gì hắn nghĩ. Mẹ hắn, chị hắn viết đơn khẩn cầu sự bao dung của pháp luật, khẩn cầu quan toà mở cho hắn một đường sống.
Lý do mà mẹ và chị hắn đưa ra là bố hắn là độc đinh, hắn cũng là con một. Bố hắn đã đau đớn chết dưới bàn tay vô đạo của hắn rồi nếu hắn mà phải chịu án tử hình nữa thì dòng họ của hắn sẽ tuyệt tự. Hắn bảo, không biết có phải là từ những lời nước mắt trong lá đơn của mẹ hay bởi còn lý do nào nữa mà phiên phúc thẩm ấy, toà đã nương tay. Án tử hình của phiên sơ thẩm đã được huỷ bỏ, hắn chỉ phải chịu án chung thân.
Hắn kể, khi biết mẹ mình đã viết đơn xin tha tội chết cho mình, mới đầu hắn đã rất bất ngờ. Thế nhưng, sau này, hiểu ra rằng, chẳng người mẹ nào muốn con mình phải chết, hắn thấy vừa vui lại vừa buồn. Vui vì mẹ và chị vẫn thương hắn, vẫn còn muốn hắn sống. Buồn bởi hắn đã nỡ phụ bạc niềm thương yêu ấy.
Từ ngày được chuyển về trại giam Hoàng Tiến, T.kể, mẹ và chị hắn vẫn thường xuyên lên thăm hắn mỗi tháng. Mẹ và chị vẫn động viên hắn cố gắng cải tạo thật tốt để mong có ngày được trở về gia đình. Hắn bảo, hắn chưa nghĩ tới ngày mình sẽ “trở lại cuộc đời” nhưng việc cải tạo thì hắn luôn nỗ lực hết mình. “Không biết đến ngày em được ra tù mẹ em có còn sống không? Nếu còn sống thì em sẽ làm tất cả những gì có thể để bù
đắp, để chuộc lỗi với mẹ. Ngoài bố ra em thấy em mang tội với mẹ nhiều nhất!”. Kẻ nghịch tử đã nói lời sau cùng với tôi như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét